top of page

Triết Lý

  • Nền tảng chủ yếu là triết lý XUẤT TỤC NHẬP THẾXuất tục nghĩa là vượt thoát thói quen trần tục, thói quen đầy chấp trước như tham lam, ích kỷ, oán thù, đố kỵ … Nhập thế nghĩa là đi vào trần gian cứu khổ cứu nạn. Nhập thế là vào đời, gánh vác, đem niềm vui, đem lợi lạc tới tha nhân, không phải để thành đạt mục tiêu vị kỷ.

  • Kim chỉ nam cho triết lý trên là Kinh Hoa Nghiêm, một bộ kinh điển chỉ đạo cho con đường bồ tát. Theo đây, để tiến hóa tới chỗ giác ngộ toàn triệt, đồng thời đem lại lợi ích cho chúng sinh, người tu thực hành lý tưởng bồ tát: một lý tưởng vị tha, quên mình cứu đời.

  • Cứu cánh của đường tu là khi con đường xuất tục và nhập thế đạt tới chỗ viên mãn. Con đường xuất tục viên mãnkhi bao nhiêu phiền não, thói quen xấu, kiến giải hạn hẹp đều được thăng hóa thành trí huệ giải thoát, thói quen thánh thiện, tầm nhìn vô hạn, tâm lượng vô biên, tri hành vô ngại, tự tại vượt thời gian, không gian. Con đường nhập thế viên mãn khi tất cả chúng sinh trong vô biên thế giới đều được giác ngộ, vô lượng cõi nước đều được an lạc, vô hạn tâm thức đều thành đại trí đại huệ. Cứu cánh này thường được nhắc nhỏ trong bài kệ:  "Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ, Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, Pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành."

  • Đối tượng chính của đạo bồ tát là tất cả những ai có tâm thức, có tri giác; những ai phát khởi được tâm hướng thượng, biết nỗ lực tự cải thiện. Do đó, bất luận là kẻ tại gia, xuất gia, giàu nghèo, sang hèn, là người là trời, là tiên là thú, ai ai cũng có thể tu đạo bồ tát.

  • Phương pháp luận tức là lối tu toàn diện. Tu nghĩa là tiến hóa; tiến hóa hay thăng hóanghĩa là lột xác, thay đổi đời mình, như con sâu biến thành con bướm là một quá trình lột xác thay đổi từ trong ra ngoài, từ hình dạng tới hoạt động, từ thói quen tới lối sống. Tu toàn diện là thăng hóa cuộc đời của mình trên tất cả phương diện sống: tâm lý, trí năng, tâm linh, xã hội, quan hệ với tha nhân, quan hệ với môi sinh, nhân sinh quan, vũ trụ quan. Tu toàn diện đòi hỏi một sự tổng hợp và hài hòa tất cả phương diện tu, mà kết quả là sự thăng bằng của cuộc sống, sự linh hoạt của tâm thức, nẩy sinh một động năng không ngừng hướng thượng, không ngừng khai mở.

  • Phương pháp hay pháp môn để thực hành triết lý nói trên là sự huấn luyện của thân xác, tâm lý, tâm linh … nhu bảng sau đây: 

    • Tâm linh:  Thực tập Thiền

    • Thân Thể: Tập Tai chi tổng hợp (Càn Khôn Thập Linh) & Dưỡng sinh

    • Tâm lý:  Huấn luyện phản xạ về cảm xúc

    • Trí Năng: Nghe Pháp, Học Pháp, Đọc Sách, phát triển khả năng chuyên môn

    • Phục vụ: Làm việc thiện nguyện

  • Yếu quyết cho bước đầu tu hành là 5 chữ T. Đây cũng là phương châm hướng dẫn người tu bước vào con đường bồ tát, khai mở tâm lượng một cách chân thật. Năm chữ T đó như sau:: 

    • Thương Thương: tức là tình thương vị tha, lòng quan hoài, không phải là tình yêu ích kỷ, hay tình yêu chiếm hữu. Thương nghĩa là cho ra, là đem sự ấm áp đến tha nhân, là khiến phiền não trong lòng tha nhân tan biến. Tình thương sẽ làm chấp trước vào bản ngã, lòng ích kỷ tiêu dung. Thương người nhưng mình cũng phải dễ thương (chữ Thương thứ nhì) thì người xung quanh mới dễ mở tâm. 

    • Tha thứ: tức là khả năng nhìn thấy điểm tốt, thấy ưu điểm, thấy cái đẹp, do đó an trụ trong một tâm thức cởi mở, rộng lượng, bao dung và vì vậy sẵn sàng tha thứ, bỏ qua những gì đem lại đau đớn, khó chịu, phiền muộn, bức rức, tức tối. Tha thứ ở đây là nói tới một tâm lượng rộng mở, không phải chỉ đơn thuần là một hành động. 

    • Thôi: tức là ngừng lại, xong rồi, dừng, bỏ qua đi, buông xả đi, thả ra, xuôi tay, thỏng tay, rút lại, bất động, không khởi ý, không động niệm … Thôi có nhiều cách để diễn tả, nhưng cách nào cũng hướng về chỗ cứu cánh là bất động, hay Bất Nhị. Con đường luân hồi của phàm phu là con đường không ngừng tạo nghiệp. Con đường bồ tát là con đường tri nhận sự bất động, bất sinh của tự tánh; rồi an trụ nơi sự bất sinh bất diệt ấy để vào đời dạy đạo,dùng thân xác, lời nói, ý tưởng làm phương tiện giúp tha nhân cùng giác ngộ đạo lý bất sinh bất diệt. 

    • Tùy: tức là tùy duyên, tùy thuận, tùy thời, tùy hỉ, tùy giác … Tùy cũng có rất nhiều cách để diễn đạt. Tùy là đặc tính tự tại của tâm thức trước mọi hoàn cảnh, mọi tình huống. Khi ta không nghe theo tự ngã ích kỷ thì tâm thức sẽ tùy. 

      • Tùy duyên tức là không bị lòng ích kỷ chi phối, để cho trực giác dắt dẫntheo sự vận hành của vũ trụ. 

      • Tùy thuận tức là tánh nhu hòa, dễ thương, nhẹ nhàng, để cho ánh sáng từ bi, của lòng thương tuôn trào; nương theo tình thương ấy thì tánh độc ác, dữ dằn, gắt gỏng, đố kỵ … sẽ tiêu dung 

      • Tùy thời tức là biết lắng nghe cơ trời, vận đất; không bị cám dỗ bởi dục vọng ích kỷ, ham muốn nhỏ hẹp. Biết tùy thời là biết đạo làm quân tử, làm thánh nhân.. 

      • Tùy hỷ tức là biết và thấy được cái đẹp của tha nhân, của chuyện tốt; rồi từ đó trong lòng vui theo, làm theo, bắt chước theo những cái đẹp ấy. Từ chỗ tùy hỉ mà ta sinh lòng muốn giúp kẻ khác thành tựu, chớ không muốn phá hoại sự thành công của ai cả. 

    • Thoáng: Trong phòng nóng bức ngột ngạt mà có gió thoảng tới thì gọi là thoáng. Trong lòng tức tối nóng nảy mà có ý tưởng nhẹ nhàng len lẻn tới, khiến tan biến mọi nặng nề thì gọi là thoáng. Trong cuộc sống lúc nào ta cũng làm người khác nghẹt thở, ngột ngạt (ví như thói tìm lỗi người, thói xoi mói, nói xấu kẻ khác, thói phê bình bừa bãi, thói la lối dữ dằn) mà đột nhiên trỗi dậy một tâm thái thanh lương thư thái, một phong độ an nhiên tự tại thì gọi là thoáng. Thoáng là đặc tính của một tâm hồn khai mở, một cõi lòng rộng rãi, một thái độ sống tự tại nhưng đầy tình thương. Thoáng là đôi cánh để ta thoát bụi trần phiền não, nóng bức; bay lượn vô ngại trên vòm trời vô biên của tâm linh vô hạn.

          

bottom of page